Phát biểu tại buổi tiếp xúc của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với cử tri quận Cầu Giấy chiều 17/6, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, thành phố đã chủ động phòng ngừa và tuyên truyền để không xảy ra tụ tập đông người tuyên truyền, kích động gây rối trong những ngày qua.
Theo ông Chung,thời gian qua, một số người đã lợi dụng triệt để mạng xã hội để tuyên truyền, kích động người dân bằng những thông tin, hình ảnh làm giả, cắt ghép… trở thành những vấn đề mang tính thời sự trong ngày. Bên cạnh đó, một số người đã lợi dụng triệt để bức xúc của người dân trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, môi trường, an ninh mạng và “tâm lý bài Trung Quốc” để kích động với mục đích lôi kéo được đông người đi biểu tình.

“Tâm điểm là trên mạng xã hội lan truyền, trong sáng 10/6, một số người tuyên truyền trên mạng rằng ở khu vực hồ Hoàn Kiếm có đông người biểu tình và nhiều cờ ba que màu vàng, nhưng thực tế không có việc đó”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, thành phố đã xây dựng các phương án đối phó ngay khi phát hiện có kêu gọi biểu tình trên mạng xã hội. Cũng trong ngày 10/6, trước việc có một số người tụ tập, lực lượng chức năng đã tuyên truyền giải thích và họ đã giải tán. Một số người khác được mời về trụ sở công an để kiểm tra hành chính.
Ông Chung chỉ ra một số thủ đoạn được sử dụng trong thời gian qua như kích động đối tượng hình sự dùng vũ khí chống trả lực lượng thực thi công vụ; kêu gọi công nhân các khu công nghiệp, sinh viên, người lao động tự do tham gia biểu tình hay rải tờ rơi tuyên truyền… Công an thành phố đã bắt hai người tham gia rải truyền đơn.
Ngày 12/6, trao đổi với báo chí, thượng tá Phạm Tùng Vân, Phó phòng Tham mưu (Công an Hà Nội) cho biết, lợi dụng còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (Luật Đặc khu) đang được Quốc hội cho ý kiến, một số người đã tuyên truyền, kích động kêu gọi tụ tập, tuần hành trái phép.
Ngày 10/6 tại Hà Nội có tụ tập đông người ở khu vực Nhà hát lớn và tượng đài Lý Thái Tổ. Lực lượng công an đã kiểm tra hành chính, giải thích để họ tự giải tán. Công an đưa một số người về trụ sở để xác minh, xử phạt vi phạm hành chính. “Những hành vi gây rối trật tự công cộng, huỷ hoại tài sản, chống người thi hành công vụ đều bị xử lý nghiêm minh”, ông Vân nói.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết tổ công tác đang đến từng địa phương thuyết phục công nhân tránh để lòng yêu nước bị lợi dụng.

– Thông tin về việc người dân một số khu vực, trong đó có công nhân tuần hành đã lan truyền trước đó nhiều ngày, vì sao sau hai ngày từ khi sự việc nổ ra Tổng Liên đoàn lao động mới gửi thư cho công nhân?
– Thực ra không phải là chậm. Tôi nói ví dụ như Bình Dương thì công đoàn đã kịp thời in các thư kêu gọi gửi cho từng người lao động cũng như có các hoạt động tuyên truyền. Chính vì vậy Bình Dương không có biểu tình, không có tụ tập đông người. Tuy nhiên, một vài địa phương cũng có chuyện chưa chủ động, chưa tích cực. Và còn một câu chuyện nữa là công đoàn không thể đơn độc trong việc này mà phải có sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, sự phối hợp của nhiều ngành.
– Thư kêu gọi đề cập việc “tránh để lòng yêu nước bị lợi dụng” và “hãy bảo vệ công ty, doanh nghiệp, bảo vệ việc làm của chính mình”. Tổng Liên đoàn đồng hành với công nhân trong vấn đề này như thế nào?
– Chúng tôi đang triển khai những biện pháp đồng bộ ở các địa phương, để bức thư đến tận tay từng công nhân, thuyết phục họ tin tưởng vào sự chăm lo tới đời sống công nhân của công đoàn trong những năm vừa qua. Đây là dịp cần hết sức cảnh giác trước những âm mưu để làm hết trách nhiệm của mình và cũng không để lòng yêu nước bị lợi dụng.
– Ngoài gửi thư, Tổng Liên đoàn có hành động gì khác để giúp giải quyết tình hình hiện nay?
– Khi phát hiện ra có truyền đơn trên mạng xã hội kêu gọi tuyên truyền, kích động gây rối công nhân biểu tình, chúng tôi đã yêu cầu các cấp công đoàn cơ sở, các tổ công đoàn quán triệt trao đổi với công nhân không tin theo luận điệu xuyên tạc. Chúng tôi cũng đã cử đoàn công tác vào phía Nam, chỉ đạo liên đoàn các tỉnh thành phố tập trung vào việc tuyên truyền, vận động để công nhân hiểu chính sách của Đảng, Nhà nước, không bị lôi kéo, kích động gây mất trật tự an ninh địa bàn.
– Có thông tin nhiều công nhân làm việc cho một Tập đoàn Trung Quốc bị sa thải vì tham gia tuần hành, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bảo vệ công nhân như thế nào trong tình huống này?
– Tập đoàn Pouyuen (được cho là sa thải công nhân – PV) có trụ sở ở nhiều địa bàn của Việt Nam, nhưng mà nói là công ty đuổi công nhân vì tuần hành thì tôi chưa nghe. Chỗ này để chúng tôi kiểm tra lại. Còn đương nhiên nếu như công nhân vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng lao động đã ký kết mà đến mức người ta phải đuổi thì mình cũng không bảo vệ được.
Nhưng ngược lại, nếu công nhân đã làm đúng cam kết, không vi phạm pháp luật mà công ty lại đuổi thì chúng tôi phải có ý kiến bảo vệ.